AFP hôm qua đưa tin một đội ngũ bác sĩ phẫu thuật của Bệnh viện NYU Langone Health ở TP.New York (Mỹ) đã thực hiện ca ghép toàn bộ mắt đầu tiên trên thế giới. Cuộc phẫu thuật bao gồm việc loại bỏ toàn bộ mắt trái của một người hiến tặng,Độtphácaghéptoànbộmắtđầutiêketquaminhngoc bao gồm nhãn cầu, mạch máu và dây thần kinh thị giác, và ghép những bộ phận đó cho bệnh nhân Aaron James (46 tuổi) ở bang Arkansas (Mỹ).
Ông James bị điện giật với dòng điện 7.200 volt vào tháng 6.2021, khiến ông bị mất mắt trái, cánh tay trái phía trên khuỷu tay, mũi và môi, răng cửa, vùng má trái và cằm, nhưng mắt phải vẫn còn nguyên vẹn. Sau đó, ông James được đưa đến NYU Langone Health và trải qua ca ghép mắt và mặt vào ngày 27.5.2023.
'Sự khởi đầu'
Đến hôm qua, AFP dẫn lời bác sĩ nhãn khoa Vaidehi Dedania thuộc NYU Langone Health cho hay mắt trái được cấy ghép cho ông James trông rất khỏe mạnh, được cung cấp máu tốt, dù James vẫn chưa thể nhìn thấy bằng con mắt đó. "Nhưng chúng tôi có rất nhiều hy vọng", bà Dedania nhấn mạnh.
Ông James cho hay ông hiện "có thể ngửi lại, ăn lại, nếm được đồ ăn" và "lần đầu tiên sau một năm rưỡi được hôn vợ tôi". Ông James còn nói rằng ông muốn có thêm nhiều người biết về ca phẫu thuật của ông, đặc biệt là về ca ghép mắt. "Ngay cả khi nó không hiệu quả đối với tôi, việc đó cũng là một sự khởi đầu, nên có lẽ bác sĩ Eduardo Rodriguez có thể rút ra được điều gì đó khác biệt để làm lần sau", ông James bày tỏ.
Bác sĩ Rodriguez là người dẫn đầu ca cấy ghép mặt và mắt cho ông James. "Chúng tôi không tuyên bố rằng chúng tôi sẽ phục hồi thị lực. Nhưng tôi chắc chắn rằng chúng tôi đang tiến gần hơn một bước", ông Rodriguez nhấn mạnh, theo AP.
Dù còn quá sớm để biết liệu ông James có nhìn được bằng mắt trái mới hay không, cuộc phẫu thuật đã được nhiều nhà khoa học ca ngợi. "Việc cấy ghép mắt tại NYU Langone đại diện cho một thời điểm quan trọng trong cuộc nghiên cứu chung của chúng tôi nhằm khôi phục thị lực và mang lại hy vọng cho vô số cá nhân trên thế giới", tiến sĩ Daniel Pelaez tại Viện Mắt Bascom Palmer thuộc Đại học Miami (Mỹ) nhận định.
Tái tạo thần kinh thị giác
Tương tự, bà Kia Washington, giáo sư về phẫu thuật tại Cơ sở Y khoa Anschutz thuộc Đại học Colorado (Mỹ), cũng đã ca ngợi ca phẫu thuật trên, cho rằng việc đạt được mục tiêu phục hồi thị lực có thể liên quan đến việc áp dụng các phương pháp tiên tiến khác, trong đó có liệu pháp gien khai thác khả năng chữa lành nội tại của dây thần kinh thị giác, theo AFP.
Ngoài ra, tiến sĩ Jeffrey Goldberg tại Viện Mắt Byers thuộc Đại học Stanford (Mỹ) cho hay: "Chúng tôi đang đạt được tiến bộ lớn trong các phương pháp điều trị nhằm thúc đẩy quá trình tái tạo thần kinh thị giác có thể đi kèm với việc ghép mắt".
Theo AP, ca ghép mặt dành cho ông James là ca thứ 5 của bác sĩ Rodriguez và ông James là người thứ 19 ở Mỹ được ghép mặt, theo AP. Người được ghép mặt một phần đầu tiên trên thế giới là phụ nữ người Pháp tên Isabelle Dinoire. Ca ghép mặt đó được tiến hành vào tháng 11.2005 tại một bệnh viện ở Pháp.
Gần đây, y khoa thế giới được cho là đã có những thành công bước đầu trong việc cấy ghép tim lợn ở người. AFP ngày 24.9 đưa tin một người đàn ông 58 tuổi đã trở thành bệnh nhân thứ 2 trên thế giới được cấy ghép tim lợn, sau khi ca đầu tiên thành công vào tháng 1.2022. Bệnh nhân thứ nhất và bệnh nhân thứ 2 lần lượt sống được khoảng 2 tháng và 6 tuần sau khi được ghép tim lợn.